Thời tiết chuyển mùa, PGS-BS Nguyễn Huy Thắng khuyến cáo đột quỵ
Thông tin này được PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não-Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), chia sẻ mới đây đang được nhiều người quan tâm.
Theo BS Thắng, mỗi khi thời tiết chuyển mùa ông thường nhận được nhiều tin nhắn từ bệnh nhân và người thân bị đột quỵ, đặc biệt vào khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 1 hằng năm. Những bệnh nhân nhập viện chủ yếu là nam giới, có chung một tình trạng hay tái diễn, huyết áp cao nhưng không dùng thuốc, thường xuyên sử dụng rượu bia và cuối cùng là xuất huyết não. Đây được coi là một dạng đột quỵ rất nặng với tỉ lệ tử vong có thể lên đến 50%.
BS Thắng cho biết các nghiên cứu y học cho thấy thời tiết có thể tác động trực tiếp đến nguy cơ đột quỵ. Các yếu tố như thời tiết quá lạnh, quá nóng hoặc đặc biệt là khi khí hậu ẩm ướt đều có thể kích hoạt đột quỵ.
Khi thời tiết nóng ẩm, cơ thể mất nước nhiều, dễ hình thành huyết khối trong mạch máu, đặc biệt là ở hệ tĩnh mạch. Nguy cơ này càng gia tăng khi chúng ta tiếp xúc lâu với ánh sáng mặt trời trực tiếp hoặc khi nhiệt độ cơ thể vượt quá 40°C.
Ngược lại, khi thời tiết lạnh, chúng ta thường không uống đủ nước, dẫn đến cơ thể thiếu nước, điều này cũng làm gia tăng khả năng hình thành huyết khối. Thêm vào đó, thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh có thể gây co dãn quá mức các mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp và làm tăng hoạt động của tim.
Đặc biệt, đối với những người lớn tuổi hoặc những bệnh nhân có sẵn bệnh nền như tăng huyết áp, tình trạng này càng trở nên nguy hiểm hơn nếu không được kiểm soát tốt.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, mỗi khi thời tiết thay đổi, cơ thể chưa kịp thích nghi sẽ gây dao động huyết áp, đặc biệt là vào thời điểm chuyển mùa. Đây là nguyên nhân khiến huyết áp tăng cao, đặc biệt là ở bệnh nhân cao huyết áp lớn tuổi, những người không uống thuốc huyết áp đều đặn. Với bệnh lý xuất huyết não, thủ phạm của phần lớn các trường hợp là huyết áp tăng cao (hơn 90%).
Để phòng ngừa đột quỵ, các chuyên gia khuyến cáo rằng huyết áp tâm thu nên duy trì ở mức dưới 130 mmHg ở mọi lứa tuổi. Theo nghiên cứu, với những bệnh nhân đã từng bị đột quỵ, nếu huyết áp tâm thu được giảm xuống dưới 120 mmHg, hiệu quả phòng ngừa đạt mức tối ưu.
Việc kiểm soát huyết áp hiện nay rất dễ dàng nhờ sự phát triển của các thuốc phối hợp, ví dụ như các thuốc Perindopril, Telmisartan, Valsartan phối hợp với Amlodipine giúp tăng tính hiệu quả và dễ sử dụng, từ đó nâng cao tuân thủ điều trị.
Khi huyết áp được ổn định ở mức thấp nhất có thể, nguy cơ xuất huyết não sẽ giảm rất nhiều. Theo nghiên cứu, chỉ cần giảm huyết áp tâm thu 10 mmHg, tỉ lệ xuất huyết não đã giảm đến 64%. Chính vì vậy, việc duy trì huyết áp ở mức mục tiêu là vô cùng quan trọng để phòng ngừa các tai biến nguy hiểm.
Thực tế, tại Bệnh viện Nhân dân 115, trong những tháng cuối năm và đầu năm sau, tỉ lệ bệnh nhân nhập viện do xuất huyết não có liên quan đến tăng huyết áp thường tăng rõ rệt.
BS Thắng cũng lưu ý vào thời điểm cuối năm, người bệnh cần kiểm soát chặt chẽ các bệnh nền, đặc biệt là tăng huyết áp, vì huyết áp có thể tăng cao đột ngột khi thời tiết chuyển mùa; người lớn tuổi; béo phì và có nhiều bệnh nền kèm theo là những đối tượng có nguy cơ cao mắc đột quỵ. Bên cạnh đó, cuối năm là dịp có nhiều lễ hội, tiệc tùng, việc sử dụng bia rượu quá mức có thể làm huyết áp tăng cao nhanh chóng. Vì vậy, hạn chế tối đa việc sử dụng bia rượu trong những dịp này.
Một lời khuyên hữu ích cho những bệnh nhân bị tăng huyết áp là nên dự trữ thuốc kiểm soát huyết áp ở mọi nơi, chẳng hạn như trong ví, trên bàn làm việc hoặc thậm chí ở nhà của người thân, bạn bè… để tránh quên uống thuốc.
Lưu ý, hơn 70% bệnh nhân đột quỵ có thể phòng ngừa được nếu họ uống thuốc dự phòng đúng cách từ trước.
Leave a Comment