Sức khoẻ ca nhiễm cúm gia cầm H9N2 ở Tiền Giang thế nào? - TIN TỨC ẨM THỰC

Sức khoẻ ca nhiễm cúm gia cầm H9N2 ở Tiền Giang thế nào?

Chiều 10-4, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết hiện người đầu tiên mắc cúm gia cầm A/H9N2 tại Việt Nam hiện đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.

Sức khoẻ ca nhiễm cúm gia cầm H9N2 ở Tiền Giang thế nào?- Ảnh 1.

Đại diện Bộ Y tế cho biết ca nhiễm cúm gia cầm ở Tiền Giang vẫn đang phải điều trị tích cực

Kể từ khi bệnh nhân cách ly, điều trị tại bệnh viện đến nay, 15 người tiếp xúc gần với bệnh nhân hiện có sức khỏe bình thường.

Bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm nói trên còn bị nhiễm nấm xâm lấn, biến chứng suy hô hấp, xuất huyết phổi, xơ gan do rượu, theo dõi u gan.

Theo ông Đức, từ năm 2015 đến nay, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận 98 ca bệnh cúm A/H9N2, trong đó 2 trường hợp tử vong. Hầu hết các trường hợp mắc có triệu chứng nhẹ và vừa, 2 trường hợp tử vong là người có bệnh nền.

"Đây là chủng virus có độc lực thấp thường gây triệu chứng nhẹ và không gây chết gia cầm hàng loạt. Khả năng lây nhiễm sang người còn hạn chế, những trường hợp có nguy cơ mắc bệnh nặng là người có sức đề kháng yếu. Chưa có bằng chứng về việc lây nhiễm từ người sang người"- ông Đức nói.

Ông Đức đánh giá nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm là thấp nhưng người dân không nên chủ quan, nhất là người có bệnh nền, đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao. Trong khi đó, nguồn gây bệnh trên động vật nên ngành y tế không thể đơn phương kiểm soát, đòi hỏi có sự phối hợp giữa nhiều ngành, đơn vị.

Để ngăn chặn lây nhiễm từ gia cầm sang người, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh cần tăng cường truyền thông các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh từ gia cầm sang người, chú trọng vào các đối tượng có sức đề kháng kém và có bệnh nền.

Sức khoẻ ca nhiễm cúm gia cầm H9N2 ở Tiền Giang thế nào?- Ảnh 2.

Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh

Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhất là tại các cơ sở điều trị và các khu vực nguy cơ cao để phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng nghi do virus.

Phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ để cập nhật, chia sẻ tình hình dịch bệnh cúm gia cầm trên thế giới, theo dõi biến đổi gen của các chủng virus cúm gia cầm nhằm đánh giá và nhận định nguy cơ kịp thời.

Trước đó, Việt Nam ghi nhận ca mắc cúm gia cầm A/H9N2 đầu tiên là nam bệnh nhân 37 tuổi, trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Điều tra dịch tễ ghi nhận đối diện nhà bệnh nhân là nhà người thân có trực tiếp giết mổ và kinh doanh buôn bán gia cầm. Bệnh nhân không trực tiếp tiếp xúc với gia cầm.

Theo các chuyên gia dịch tễ, người có thể bị nhiễm virus cúm gia cầm, cúm lợn và các loại virus cúm khác, như cúm gia cầm A/H5N1, A/H7N9, A/H9N2 và các virus cúm lợn A/H1N1, A/H1N2 và A/H3N2.

Với virus cúm gia cầm, việc giám sát trên gia cầm rất quan trọng bởi virus có khả năng tái tổ hợp hình thành virus mới, tăng nguy cơ lây bệnh cho người.

Người có thể lây bệnh thông qua tiếp xúc trực tiếp với động vật bị nhiễm bệnh hoặc do chạm tay vào các bề mặt dính dịch nhầy, nước bọt hoặc phân động vật bị nhiễm bệnh rồi chạm lên mắt, mũi, miệng, hoặc hít phải bụi trong không khí.

No comments

Powered by Blogger.