Bột ngọt giúp duy trì vị ngon của món ăn và giảm đến 31,5% lượng natri ăn vào
Giải pháp giảm tiêu thụ muối hiệu quả
Theo GS. Nguyễn Ngọc Sáng, tiêu thụ dư thừa muối là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, rõ nét nhất là tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp và đây là yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ và các biến chứng khác như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim... Người bị tăng huyết áp cần giảm muối (natri) trong chế độ ăn. Tuy nhiên, nhiều người không thể duy trì chế độ ăn giảm muối này do món ăn này cũng bị giảm vị ngon. Do đó, mấu chốt của việc duy trì chế độ ăn này đó chính là làm sao có thể vừa giảm muối mà vẫn có thể giữ nguyên vị ngon của món ăn này.
Bột ngọt là giải pháp giảm muối ăn mà vẫn đảm bảo ngon miệng
Hiện tại, có một số phương pháp được khuyến nghị giúp cho chúng ta hạn chế dùng muối hơn như xem hàm lượng natri trên nhãn dán và tính hàm lượng muối trong thực phẩm, không đặt các gia vị mặn có chứa muối như muối, mắm, nước tương… trên bàn ăn, hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn như: dưa, cà, cá muối, thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp…, giảm lượng muối tiêu thụ và có thể kết hợp sử dụng một số thành phần tạo hương vị, như bột ngọt để giảm muối ăn mà vẫn ngon miệng.
Như chúng ta đã biết, bột ngọt là gia vị giúp tăng vị ngon cho món ăn và thành phần của bột ngọt có natri, tuy nhiên lượng natri trong bột ngọt thấp, chỉ bằng 1/3 so với muối ăn. Do đó, có thể thấy, bột ngọt có thể giải quyết mấu chốt của việc duy trì chế độ ăn giảm muối thông qua việc mang đến vị mon cho món ăn với lượng muối thấp hơn. Trong nhiều năm qua, nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Malaysia… đã nghiên cứu và thấy được hiệu quả của phương pháp giảm muối (natri) kết hợp sử dụng bột ngọt và đã áp dụng. Ủy ban nghiên cứu chiến lược giảm lượng muối tiêu thụ trong khẩu phần ăn thuộc Viện Y khoa - Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ cũng đánh giá "Bột ngọt có thể giúp giữ nguyên mức độ ngon miệng với những món ăn giảm độ mặn" khi kết hợp giảm muối và sử dụng bột ngọt.
Cơ sở của phương pháp này dựa trên kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học người Nhật Bản: Bằng cách giảm một nửa lượng muối kết hợp với sử dụng bột ngọt có thể giúp duy trì được vị ngon của món ăn, và giảm được 31,5% lượng natri ăn vào.
Như vậy, khi chế biến, chúng ta có thể giảm một phần lượng gia vị mặn và kết hợp sử dụng bột ngọt. Cách này giúp cắt giảm lượng natri ăn vào nhưng vẫn giữ nguyên vị ngon cho món ăn, từ đó duy trì chế độ ăn giảm muối dễ dàng hơn.
Gia vị an toàn có nguồn gốc tự nhiên
Bột ngọt (mì chính) là một gia vị rất phổ biến và thành phần của bột ngọt không xa lạ với con người. Bột ngọt là mononatri glutamate (hay monosodium glutmate - MSG), trong đó, glutamate (axit glutamic) là một axit amin tồn tại phổ biến ở cơ thể người và hầu hết các loại thực phẩm ăn vào hằng ngày. Thành phần glutamate có trong thực phẩm và trong bột ngọt giúp mang đến vị ngon (vị ngọt thịt/vị ngọt của hải sản hay rau củ quả) cho món ăn mà các nhà khoa học, các đầu bếp trên thế giới hay gọi là vị "umami".
Thành phần glutamate trong bột ngọt cũng có trong hầu hết các loại thực phẩm ăn vào hằng ngày
Vị umami do một giáo sư người Nhật Kikunae Ikeda khám phá vào năm 1908, từ đó dẫn đến phát minh ra bột ngọt với thành phần chính là glutamate. Đến năm 1909, thương hiệu bột ngọt đầu tiên trên thế giới ra đời mang tên AJI-NO-MOTO chính thức có mặt trên thị trường.
Phương pháp và nguyên liệu sản xuất bột ngọt cũng rất thân thiện với môi trường và con người. Hiện nay, các nguyên liệu nông nghiệp như mía, sắn (khoai mì), ngô (bắp), củ cải đường… được chọn làm nguyên liệu sản xuất bột ngọt ở nhiều quốc gia trên thế giới và bằng phương pháp lên men tự nhiên bằng vi sinh vật, tương tự phương pháp dùng để sản xuất ra sữa chua, phô mai…
Bột ngọt được sản xuất từ các nguyên liệu nông nghiệp như mía, sắn, ngô, củ cải đường…
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức y tế và sức khỏe trên thế giới như Ủy ban các Chuyên gia về Phụ gia Thực phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hiệp quốc (JECFA); Ủy ban khoa học về Thực phẩm của Cộng đồng chung châu Âu (EC/SCF); Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (US FDA); Bộ Y tế, Lao động và Phúc Lợi Nhật Bản đánh giá bột ngọt là một phụ gia thực phẩm an toàn. Bộ Y tế Việt Nam xếp bột ngọt vào danh mục phụ gia được phép sử dụng tại Việt Nam.
Leave a Comment